fbpx

Co-working Space: Miếng bánh ngon với nhà đầu tư ngoại

Sự nở rộ của các statrup khiến văn phòng làm việc chung (co-working space) được giới chuyên môn nhận định có nhiều tiềm năng phát triển và hiện đã thu hút nhiều nhà đầu tư ngoại với hàng trăm trung tâm trên cả nước.

“Miếng bánh” hấp dẫn

Theo một báo cáo của Jones Lang LaSalle (JLL), co-working space chỉ mới được biết đến ở Việt Nam vài năm gần đây, với một số tên tuổi như Regus, Toong, Up, Dreamplex,Tiktak… Mặc dù có tốc độ tăng trưởng mạnh trong 1-2 năm qua, trung bình khoảng 58%/năm, nhưng quy mô thị trường co-working tại Việt Nam còn rất nhỏ và vì vậy sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.

Chia sẻ tại buổi họp báo giới thiệu Giải thưởng Bất động sản Việt Nam (Vietnam Property Awards), ông Đặng Văn Quang, Giám đốc JLL Việt Nam cho rằng, bên cạnh 3 xu hướng là căn hộ phân khúc trung cấp, bất động sản cho khu vực nhà máy và các văn phòng hạng A thì các dự án co-working cũng sẽ tiếp tục nở rộ trong năm 2019.

“Co-working space là một ngách của loại hình văn phòng. Đây là xu hướng có nguồn cầu tăng cao do startup nhiều, công nghệ thay đổi khiến startup không nhất thiết ngồi ở văn phòng truyền thống như trước đây nữa. Vì có kết nối Internet nên chỗ ngồi làm việc ngày càng đơn giản đi, kích thích nhu cầu mở rộng của loại hình văn phòng mới này”, ông Quang nói.

Trên thực tế, co-working space là mô hình lai ghép giữa Shared Office (văn phòng chia sẻ) và Working Cafe (quán cà phê làm việc), cung cấp nhiều tiện ích hơn so với mô hình văn phòng dịch vụ truyền thống, nhấn mạnh vào không gian làm việc mang tính cộng đồng và hướng đến trải nghiệm của khách hàng. Không chỉ các startup hay freelancer là những người nhận thấy sự tiện lợi của mô hình này, mà ngay cả các công ty, tập đoàn lớn cũng học hỏi và theo kịp xu hướng.

Cụ thể, tháng 11 vừa qua, WeWork, startup hàng đầu trong mảng co-working space đã chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam bằng việc mở văn phòng tại tòa nhà E-Town, TP.HCM. Sự xuất hiện của WeWork được dự đoán sẽ tạo ra làn sóng mới trên thị trường co-working space trong nước, vốn được ví như miếng “bánh ngon” cho các nhà đầu tư ngoại.

Chưa kể, Regus cũng đang đẩy mạnh “độ phủ” của mình bằng việc chuẩn bị cho ra mắt trung tâm đầu tiên mang thương hiệu Spaces tại Hà Nội. Trung tâm mới này không chỉ có một vài tầng sàn, mà sẽ là nguyên 1 tòa nhà 10 tầng ở một vị trí đắc địa, những vị trí có tầm nhìn đẹp nhất, hướng đẹp, ánh sáng tốt nhất sẽ được dành cho khu vực co-working.

Được biết, Regus hiện có 9 trung tâm (8 trung tâm co-working space và một trung tâm hội nghị), với tổng diện tích sàn 9.000 m2. Đại diện Regus cũng không ngần ngại chia sẻ, ngoài Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, họ đang tìm hiểu tới những thành phố nhỏ hơn như Hải Phòng và những thành phố nằm trong trục Hà Nội – Hải Phòng.

“Chúng tôi luôn luôn săn lùng những vị trí đắc địa để mở trung tâm mới tại các thành phố trọng điểm. Còn tại TP.HCM, chúng tôi cũng mong muốn mở trung tâm ở những quận khác ngoài quận 1 để giúp rút ngắn thời gian di chuyển và mang các trung tâm của Regus tới gần nhà các bạn hơn”, ông Lars Wittig, Tổng giám đốc Regus Việt Nam, Campuchia và Philippines chia sẻ.

Theo JLL, không gian làm việc linh hoạt ngày càng trở nên phổ biến tại TP.HCM, phần lớn do nguồn cung văn phòng truyền thống hạn chế ở những địa điểm được săn đón.

Trong khi các đơn vị điều hành quốc tế như Regus và WeWork muốn giữ chỗ tại tòa nhà văn phòng hạng A và hạng B có chất lượng cao trên thị trường, thì các đơn vị điều hành trong nước đang dần chuyển hướng sang các tòa nhà văn phòng hạng B và diện tích bán lẻ để tìm kiếm mặt bằng cho địa điểm mới nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng.

“Các tập đoàn đa quốc gia lớn thường cần có một văn phòng đại diện trong các giai đoạn ban đầu thâm nhập một thị trường mới. Do đó, co-working space là một lựa chọn ngắn hạn khả thi cho loại hình khách thuê này trong lúc lượng nhân sự còn chưa ổn định. Trong tương lai gần, thị trường dự kiến sẽ chào đón thêm nhiều trung tâm không gian linh hoạt theo loại hình này, nguồn cung dự kiến sẽ tăng theo cấp số nhân trong vài năm tới”, bà Trang Bùi, Giám đốc thị trường JLL Việt Nam chia sẻ.

Góc nhìn của người trong cuộc

Nhìn nhận về xu hướng thị trường co-working tại Việt Nam, ông Lars Wittig cho biết, nhu cầu về các giải pháp co-working và các giải pháp văn phòng linh hoạt đang gia tăng nhanh trên thế giới, nhưng ở Việt Nam có thể nói nhu cầu đang ở mức bùng nổ. Nguyên nhân bởi, người Việt Nam có văn hóa khởi nghiệp – với rất nhiều startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ được thành lập hàng năm.

Chưa kể, Việt Nam sở hữu dân số vàng với rất nhiều bạn trẻ thuộc thế hệ 8x, 9x, độ tuổi lý tưởng để khởi nghiệp. Môi trường kinh doanh đang thay đổi hàng ngày, không chỉ đối với các doanh nghiệp vừa, mà còn cả với các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn đa quốc gia. Các doanh nghiệp lớn có thể sẽ đóng cửa một bộ phận kinh doanh, hoặc sáp nhập với một doanh nghiệp khác. Chính vì vậy, sẽ rất là khó để dự đoán được nhu cầu văn phòng trong 1-2 năm tới sẽ như thế nào. Do vậy, những giải pháp văn phòng linh hoạt sẽ chiếm ưu thế so với mô hình văn phòng truyền thống.

“Đối với các bạn trẻ 8x, 9x, môi trường co-working được ưa thích vì nó giúp họ sáng tạo hơn, làm việc hiệu quả hơn, đồng thời được tiếp cận với những con người mới, những sáng tạo mới từ các doanh nghiệp khác. Đối với các doanh nghiệp lớn, do môi trường kinh doanh đang thay đổi quá nhanh, họ sẽ phải chọn giải pháp sống chung với lũ và môi trường co-working với tính tương tác cao sẽ góp phần thúc đẩy sự thay đổi này”, ông Lars Wittig nói và cho biết thêm, trong tương lai gần, thị trường co-working Việt Nam sẽ chia thành 2 phân khúc rõ rệt, một là khúc bao gồm các thương hiệu lớn và một là phân khúc các thương hiệu nhỏ hơn với cá tính và phong cách khác biệt.

Cả 2 phân khúc sẽ bổ trợ cho nhau và mang lại nhiều màu sắc cho thị trường, đồng thời đáp ứng nhu cầu khác nhau của khách hàng. Bởi một số khách hàng sẽ thích làm việc trong một không gian giống như quán cafe tại một trung tâm co-working nho nhỏ trong một góc phố nhỏ. Tuy nhiên, sẽ có những khách hàng muốn làm việc tại một tòa cao ốc cao tầng ở trung tâm thành phố.

Theo ông Lars Wittig, khó khăn lớn nhất của Regus hay các nhà đầu tư khác hiện nay là việc tìm kiếm mặt bằng mới để đầu tư. Bởi các trung tâm thường được đặt ở những vị trí đắc địa, trong các tòa nhà hạng sang với nguồn cung hạn chế và thường được lấp đầy nhanh.

 

 

 

 

Hotline 0898.580.666
Tiktak 1
Tiktak 2