Quý II/2018 cho thấy sự bùng nổ của mô hình co-working space khi toàn thị trường có đến 43 điểm thuê…
Theo Savills Việt Nam, tính đến quý II/2018, thị trường văn phòng cho thuê Hà Nội không có thêm nguồn cung mới nào, tổng nguồn cung toàn thị trường đang đạt trên 1,6 triệu m2 sàn, ổn định theo quý và tăng 1,8% theo năm, giá thuê gộp trung bình tăng 2,4% theo quý, 4,3% theo năm. Phân khúc hạng A tiếp tục có công suất cho thuê tốt nhất với đa số nguồn cung đến từ khu vực nội thành và phía Tây.
Tuy nhiên, đại diện Savills cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, mô hình văn phòng truyền thống, đặc biệt phân khúc hạng B và hạng C chịu áp lực rất nhiều, không chỉ phải cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với mô hình co-working space (chia sẻ không gian văn phòng – không gian làm việc chung) bởi sự linh hoạt về giá thuê theo giờ, ngày, tháng. Quý II/2018 cho thấy sự bùng nổ của mô hình co-working space khi toàn thị trường có đến 43 điểm thuê.
Nếu như cách đây vài năm, mô hình co-working space thường dành cho các công ty startup, doanh nghiệp vừa và nhỏ, giờ đây ngay cả những tập đoàn lớn có tên tuổi như Microsoft, Intel, Dell, Deutsche Bank, General Electric cũng quyết định đưa nhân viên của mình vào môi trường làm việc hợp tác.
Theo khảo sát trực tuyến hàng năm của Deskmag – Tạp chí trực tuyến về mô hình làm việc chung, những người tham gia khảo sát cho rằng họ cảm thấy thoải mái, hạnh phúc, sáng tạo hơn khi làm việc tại không gian mở, khả năng tư duy và sự tập trung được cải thiện rõ rệt, quan trọng là họ tìm được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống…
Là một không gian mở, co-working space được “lấp kín” bởi cộng đồng những người làm việc thuộc đa ngành nghề ở nhiều lĩnh vực khác nhau, vô hình trung giúp thúc đẩy sự tương tác giữa các thành viên, biến nơi đây thành địa điểm kết bạn và giao lưu, tăng cơ hội hợp tác, thêm khách hàng, đối tác hay nhà đầu tư. Về phía các công ty khi chọn đặt văn phòng tại co-working space, bài toán tài chính với các loại chi phí như: tiền điện, tiền điện thoại, tiền nước, phí thuê bảo vệ, lễ tân đã được giảm thiểu.
Thị trường càng thêm hấp dẫn khi có thêm nhiều công ty/tập đoàn nước ngoài (Regus – Anh, Hive – Hồng Kông, CEO Suite – Hàn Quốc, Klouds – Singapore) tìm cách gia tăng số lượng văn phòng co-working ở Việt Nam nhằm tìm kiếm cơ hội mới, bên cạnh những tên tuổi Việt đình đám như Toong, Up, CirCO, Dreamplex… với mức tăng trưởng ước 50% mỗi năm.
Đặc biệt xuất hiện nhiều co-working theo chuẩn quốc tế, đồng nghĩa với việc sở hữu những vị trí đắc địa tại các tòa nhà hạng A-B với diện tích lớn từ 1.000m2 trở lên nên có khả năng thu hút được cả doanh nghiệp lớn lẫn doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhờ đó cơ cấu doanh thu sẽ bền vững hơn.
Sự tiên phong của Toong co-working space Tràng Thi vào tháng 8/2015 biến Toong trở thành chuỗi co-working chuyên nghiệp đầu tiên tại Việt Nam. Từ đây, nhiều tập đoàn lớn đầu tư vào mô hình này khiến co-working bỗng trở nên có triển vọng và có chỗ đứng hơn bao giờ hết tại Việt Nam.