Trong vài năm trở lại đây, không gian làm việc chung (co-working space) đang phát triển mạnh. Với khả năng đáp ứng linh hoạt theo yêu cầu riêng của khách hàng, chi phí tiết kiệm, co-working hiện đang được các đơn vị khởi nghiệp (start-up), các doanh nghiệp nhỏ và Cty công nghệ… hướng đến, là điểm sáng trong phân khúc bất động sản (BĐS) văn phòng.
Sự nở rộ của các statrup khiến văn phòng làm việc chung (co-working space) được giới chuyên môn nhận định có nhiều tiềm năng phát triển tại Việt Nam.
Co-working space là không gian làm việc chung – nơi mọi người cùng chia sẻ không gian văn phòng. Tại đây, người đến làm việc chỉ mất tiền thuê chỗ ngồi theo thời gian, được cung cấp, sử dụng miễn phí các trang thiết bị phục vụ công việc như bàn ghế, internet, máy chiếu, phòng họp, nước uống…
Ngoài khu vực làm việc chung dành cho các cá nhân, co-working space còn có các không gian độc lập, được chia thành các phòng riêng biệt cho từng Cty hoạt động.
Theo một báo cáo của Jones Lang LaSalle (JLL) tại Việt Nam, từ năm 2012, co-working space đã xuất hiện, tuy nhiên loại hình này chưa gây được sự chú ý. Từ năm 2015 đến nay, đã có nhiều chuỗi các mô hình như Dreamplex, Toong với hơn 40 đơn vị kinh doanh, vận hành mô hình này.
Mặc dù có tốc độ tăng trưởng mạnh trong 1-2 năm qua, trung bình khoảng 58%/năm, nhưng quy mô thị trường co-working space tại Việt Nam còn rất nhỏ và vì vậy sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới.
Ông Đặng Văn Quang – Giám đốc JLL Việt Nam cho rằng, bên cạnh 3 xu hướng là căn hộ phân khúc trung cấp, BĐS cho khu vực nhà máy và các văn phòng hạng A thì các dự án co-working cũng sẽ tiếp tục nở rộ trong năm 2019.
“Co-working space là một ngách của loại hình văn phòng. Đây là xu hướng có nguồn cầu tăng cao do startup nhiều, công nghệ thay đổi khiến startup không nhất thiết ngồi ở văn phòng truyền thống như trước đây nữa. Vì có kết nối internet nên chỗ ngồi làm việc ngày càng đơn giản đi, kích thích nhu cầu mở rộng của loại hình văn phòng mới này”, ông Quang nói.
Trên thực tế, co-working space là mô hình lai ghép giữa shared office (văn phòng chia sẻ) và working cafe (quán cà phê làm việc), cung cấp nhiều tiện ích hơn so với mô hình văn phòng dịch vụ truyền thống, nhấn mạnh vào không gian làm việc mang tính cộng đồng và hướng đến trải nghiệm của khách hàng. Không chỉ các startup hay freelancer là những người nhận thấy sự tiện lợi của mô hình này, mà ngay cả các Cty, tập đoàn lớn cũng học hỏi và theo kịp xu hướng.
Tại Hà Nội, hiện có hơn 20 địa điểm co-working đang được vận hành như: Toong với chuỗi địa điểm tại số 8 Tràng Thi (Hoàn Kiếm), Hoàng Đạo Thúy (Cầu Giấy); Regus với chuỗi địa điểm tại Ha Noi Tower, 49 Hai Bà Trưng, tòa nhà Daeha – 360 Kim Mã; Manzi – 14 Phan Huy Ích; Tik tak – số 1 Hoàng Đạo Thúy; Hatch Nest – 195 Đội Cấn…
Nếu như mô hình này ban đầu chủ yếu do các đơn vị trong nước tổ chức, thì từ năm 2017 – 2018, một số Cty nước ngoài bắt đầu quan tâm, đầu tư. Đầu tháng 5/2019, nhà đầu tư IWG đến từ Thụy Sỹ vừa đưa vào hoạt động mô hình SPACES tại Hà Nội với 500 chỗ ngồi trên mười tầng tại tòa nhà Belvedere, số 28A Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm.
Đánh giá về tiềm năng phát triển, ông Lars Wittig – Phó Chủ tịch Bộ phận kinh doanh của IWG tại Đông Nam Á, Hàn Quốc cho biết: Thực tế, nhiều người có Cty riêng và họ cần một không gian vừa phải, hiện đại, có thể tiếp khách được, có chất lượng như kỳ vọng… Do đó, tiềm năng phát triển không gian làm việc chung ở Việt Nam rất lớn, có thể nói là lớn nhất ở khu vực châu Á. Với tốc độ phát triển của kinh tế như hiện nay, co-working tại Việt Nam có thể bắt kịp Thái Lan, Philippines về xu hướng này…