Mặc dù có những khoản đầu tư đáng kể vào các sáng kiến và công nghệ xanh, nhưng ngành xây dựng và bất động sản vẫn đang thiếu hụt các chứng chỉ thiết kế bền vững.
Ngành xây dựng chiếm tới 36% tổng năng lượng tiêu thụ và gần 40% lượng khí thải CO2 trên toàn cầu. Và theo Báo cáo Tình trạng Toàn cầu về Xây dựng và Công trình Xây dựng năm 2022 của (UNEP), ngành xây dựng đang không đảm bảo được cam kết về lượng phát thải carbon vào năm 2050.
Khi biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến bất thường, sự đóng góp của các công trình xây dựng vào việc đạt mục tiêu phát thải ròng bằng 0 là điều cần thiết. Đây là một trong những vấn đề cấp bách nhất đối với lĩnh vực thương mại bất động sản hiện nay.
Một cách để các chủ đầu tư và các kiến trúc sư nâng cao chất lượng công trình của họ, tăng năng suất làm việc và cải thiện hiệu suất của các tòa nhà đó là thông qua việc đạt được những chứng nhận thiết kế bền vững. Chứng nhận này bao gồm nhiều hạng mục, sự công nhận giúp cho các công ty thực hiện các bước tiến tích cực hướng đến môi trường thiết kế bền vững, đồng thời thể hiện sự uy tín của họ với người thuê và nhà đầu tư.
Sự gia tăng nhu cầu đối với các thiết kế bền vững đã mở rộng sang việc cải thiện sức khỏe và lợi ích của những người thuê bất động sản. Theo một nghiên cứu được thực hiện bởi “chứng nhận phúc lợi hàng đầu WELL”, các tòa nhà được chứng nhận bởi WELL đã được chứng minh là cải thiện mức độ hài lòng của nhân viên tại nơi làm việc gần 30% và cải thiện sức khỏe tinh thần của họ thêm 10%. Những chứng nhận đề cập đến sức khỏe ngày càng trở nên phổ biến, bởi vì vấn đề sức khỏe của người lao động đang ngày càng được quan tâm và điều đó làm tăng giá trị cho tòa nhà, đồng thời cũng tăng lợi ích cho người thuê nhà.
Mục lục bài viết
Nâng cao tiêu chuẩn thiết kế bền vững
Các chương trình chứng nhận công trình xanh hàng đầu hiện nay, cung cấp các tiêu chí, hệ thống đánh giá để hỗ trợ việc xây dựng thiết kế bền vững.Mục tiêu rộng chung là giải quyết các vấn đề về suy thoái môi trường và cạn kiệt tài nguyên, nhắm vào một số yếu tố then chốt liên quan đến thiết kế để phát triển tòa nhà. Phần lớn các chương trình này là tự nguyện, nhiều cơ quan chức năng đã đưa các chương trình chứng nhận trọng điểm vào tiêu chí quy hoạch của họ.
Sau khi đăng ký với tổ chức hoặc chủ sở hữu chứng nhận liên quan, các công ty có thể phải tham gia vào các cuộc họp lập kế hoạch, đánh giá và thẩm định tiêu chuẩn của chứng nhận. Họ phải đưa ra báo cáo tóm lược về tính bền vững, lên ý tưởng cho các giải pháp thiết kế và kỹ thuật, đồng thời tiến hành phân tích tác động của các tòa nhà và nội thất đến môi trường. Những người phụ trách có thể cần trải qua đào tạo và đánh giá chuyên sâu, để đạt được chứng nhận hoặc cấp phép khác nhau.
Quy trình chứng nhận và các yếu tố chính để đạt tiêu chuẩn thay đổi tùy theo từng chương trình chứng nhận. Một số chương trình quan tâm đến hiệu quả năng lượng, trong khi một số khác có thể tập trung vào việc sử dụng vật liệu tái chế. Ngoài ra, một số chương trình khác có thể tập trung vào Chất lượng Môi trường trong nhà (IEQ) hoặc các quy định của tòa nhà về sức khỏe, an toàn và lợi ích.
Dưới đây là một số chương trình hàng đầu với những tiêu chuẩn đánh giá chung về thiết kế bền vững trong môi trường xây dựng với mong muốn cải thiện sức khỏe và lợi ích của con người trong các tòa nhà bất động sản.
Các chứng nhận công trình xanh
BREEAM
BREEAM (Building Research Establishment Environment Assessment Method) là “bộ hệ thống kiểm định và chứng nhận bất động sản dựa trên cơ sở khoa học” hàng đầu được tạo ra để đánh giá tính bền vững và hiệu suất môi trường của các tòa nhà mới và các tòa hiện đang sử dụng.Là hệ thống đánh giá công trình xanh đầu tiên trên thế giới, BREEAM được ra mắt tại Anh vào năm 1990 bởi Viện Nghiên cứu Xây dựng Anh (BRE). Thông qua các tiêu chuẩn do bên thứ ba chứng nhận, BREEAM giúp cải thiện hiệu suất tài sản từ khâu thiết kế và thi công đến sử dụng và cải tạo.
BREEAM cung cấp các giải pháp trong chứng nhận thiết kế bền vững với các yếu tố chính như: không có phát thải carbon, hiệu suất vòng đời công trình, sức khỏe con người và xã hội, tái sử dụng và khả năng chống chịu, sự đa dạng sinh học, công khai minh bạch và báo cáo rõ ràng. BREEAM thiết lập các thang đánh giá hiệu suất được kiểm định theo các hạng mục và tiêu chí đánh giá cụ thể, ví dụ như năng lượng, quản lý, vật liệu, giao thông vận tải, nước, chất thải,… để đưa ra điểm tổng thể. Điểm này sau đó được chuyển đổi thành xếp hạng BREEAM, với chứng nhận từ Đạt yêu cầu (Pass), Tốt (Good) và Rất tốt (Very Good) đến Xuất sắc (Excellent) và Outstanding.
LEED
LEED (Leadership in Energy and Environmental Design) được phát triển bởi Hội đồng Công trình Xanh Hoa Kỳ (US Green Buildings Council), LEED là một trong những chương trình chứng nhận công trình xanh được sử dụng và công nhận rộng rãi nhất trên thế giới. Là một hệ thống toàn diện, LEED tập trung vào tất cả các yếu tố quan trọng bên trong một tòa nhà và cách kết hợp chúng với nhau, thay vì hoạt động riêng lẻ. Chứng nhận này nhằm mục đích tạo ra các tòa nhà tốt hơn, giúp giảm thiểu tác động đến biến đổi khí hậu; cải thiện sức khỏe cá nhân; bảo vệ và phục hồi tài nguyên nước; bảo vệ, tăng cường đa dạng sinh học và các dịch vụ hệ sinh thái; thúc đẩy quá trình tái tạo vật liệu bền vững; nâng cao chất lượng sống của cộng đồng.
LEED sử dụng một hệ thống tính điểm dựa trên chín hạng mục phân loại chính, áp dụng cho nhiều loại hình công trình khác nhau. Điểm được phân bổ cho từng tính năng của tòa nhà, cộng dồn để tạo thành tổng điểm. Tổng điểm này sẽ quyết định xếp hạng LEED cuối cùng: Được Chứng nhận (Certified), Bạc (Silver), Vàng (Gold) hoặc Bạch Kim (Platinum).
SKA
Hệ thống đánh giá SKA được Viện Thẩm định Hoàng gia Anh (RICS) ra mắt vào năm 2009. SKA cung cấp phương pháp đánh giá môi trường, điểm chuẩn và tiêu chuẩn cho các công trình cải tạo phi dân dụng, sử dụng các yêu cầu về tính bền vững được gọi là các biện pháp thi công thân thiện với môi trường (Good Practice Measures – GPMs).
Chỉ tập trung vào các công trình cải tạo nội thất thay vì toàn bộ tòa nhà, SKA giúp các nhà thiết kế, chủ sở hữu và người thuê đạt được chứng nhận thiết kế bền vững. Hệ thống sử dụng quy trình đánh giá qua ba giai đoạn, tập trung vào thiết kế/lập kế hoạch, thi công/xây dựng và giai đoạn sau khi sử dụng. Hệ thống xếp hạng Đồng, Bạc và Vàng là một hệ thống phổ biến cho phép những khách hàng tiềm năng đánh giá hiệu suất môi trường so với các nội thất văn phòng khác.
NABERS
NABERS (National Australian Built Environment Rating System) là một chứng nhận công trình xanh dành cho thị trường Australia. Cung cấp phương thức đánh giá tính bền vững của công trình một cách đơn giản, chính xác và có thể so sánh, NABERS áp dụng cho nhiều loại công trình, bao gồm khách sạn, trung tâm thương mại, căn hộ, văn phòng,… Hệ thống này đánh giá tính bền vững của công trình theo các cấp độ từ 1 sao đến 6 sao về hiệu quả sử dụng tài nguyên của tòa nhà, tập trung vào năng lượng, nước, chất thải và môi trường bên trong. NABERS được ra đời và hỗ trợ chủ sở hữu rất nhiều trong việc đánh giá và so sánh hiệu suất của các công trình xây dựng.
Những chứng nhận về sức khỏe và lợi ích
WELL Building Standard
“The WELL Building Standard” được Viện Tiêu chuẩn Xây dựng WELL Quốc tế (IWBI) có trụ sở tại Hoa Kỳ sáng lập vào năm 2014. Nhằm giúp các nhà thiết kế thể hiện cam kết của họ đối với “những không gian được chú trọng đến sức khỏe và lợi ích của con người”, WELL Building Standard hướng đến việc tận dụng môi trường xây dựng – đặc biệt là nội thất tòa nhà – như một giải pháp hỗ trợ sức khỏe, lợi ích và chất lượng cuộc sống của con người.
Tiêu chuẩn WELL tập trung vào các tiêu chí như không khí, nước, độ ẩm, ánh sáng, sức khỏe thể chất, sự thoải mái và sức khỏe tinh thần. Hệ thống này có thể được áp dụng cho các trung tâm thương mại và các công trình xây dựng, cải tạo và tái phát triển. Các dự án có thể kiếm được điểm liên quan đến chính sách, thiết kế và vận hành, chứng nhận WELL có bốn cấp độ: Đồng, Bạc, Vàng và Bạch Kim.
Fitwel
Fitwel được Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (Centers for Disease Control and Prevention) và Cục Quản lý Dịch vụ Tổng hợp Hoa Kỳ (US General Services Administration) sáng lập tại Mỹ. Là một hệ thống chứng nhận “hướng đến mục tiêu cải thiện sức khỏe cho cộng đồng”, Fitwel giúp các công ty đáp ứng nhu cầu của mọi người về môi trường làm việc giúp họ sống khỏe mạnh hơn.
Thông qua các chiến lược phát triển và duy trì môi trường nhằm cải thiện sức khỏe, Fitwel cho phép các công ty nâng cao điểm ESG (đánh giá về chất lượng Môi trường, Xã hội và Quản trị) cùng các xếp hạng liên quan. Chương trình chứng nhận của Fitwel bao gồm thiết kế, xây dựng mới, tòa nhà hiện hữu và các dự án công trình xây dựng đã hoàn thành. Hệ thống sử dụng quy trình đánh giá kéo dài từ 12 đến 16 tuần để tạo ra xếp hạng 1, 2 hoặc 3 sao, có giá trị trong vòng ba năm.
Lợi ích của những chứng nhận thiết kế bền vững
Việc áp dụng các chứng nhận thiết kế bền vững đòi hỏi các công ty đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng đối với các công trình bền vững, từ đó nâng cao chất lượng công trình xây dựng, giảm phát thải CO2 và tạo ra môi trường sống và làm việc tốt hơn cho con người. Theo Báo cáo Bền vững RICS năm 2022, 65% số người tham gia khảo sát ở Anh cho biết nhu cầu của khách hàng đối với các công trình xanh đã tăng trong năm, 45% cho biết nhu cầu của nhà đầu tư đối với những tài sản đó tăng lên một cách khiêm tốn và 21% cho biết họ đã thấy sự gia tăng đáng kể.
Fitwel cũng báo cáo rằng 49% chủ sở hữu công trình sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các công trình có sự tích cực đến sức khỏe. Tương tự, BREEAM khẳng định nhu cầu đánh giá tính bền vững của môi trường xây dựng đang tăng 20% mỗi năm.
Theo đó, các thiết kế bền vững đại diện cho tiền đề của thiết kế và phát triển đô thị. Khách hàng, nhà đầu tư, chủ sở hữu và các bên liên quan khác ngày càng tập trung vào các tiêu chí ESG (Môi trường, Xã hội và Quản trị). Do đó, những công ty có thể chứng minh cam kết tạo ra các công trình xanh có vẻ sẽ chiếm được ưu thế và phát triển mạnh mẽ hơn.
Thông qua việc áp dụng các chứng nhận thiết kế bền vững, các công ty có thể thể hiện sự tham gia của họ vào các hoạt động phát triển bền vững của môi trường và thể hiện những tiến bộ trong các mục tiêu cộng đồng chính, chẳng hạn như cải thiện hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm thiểu phát thải carbon và tạo ra những không gian tích cực và lành mạnh cho mọi người. Tất cả những điều này còn góp phần xây dựng sự tin cậy, tối ưu hóa giá trị bất động sản và mang lại sự phát triển lâu dài cho dự án./.